ENG
Tải về
Sao chép, bắt chước hình thức trình bày, kiểu dáng bao bì sản phẩm của người khác trở thành hiện tượng khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (“SHTT”) cho kiểu dáng sản phẩm là vô cùng cần thiết đối với mọi doanh nghiệp và góp phần gia tăng trị số phân biệt thương hiệu của mình trong tâm trí người tiêu dùng. Điều này càng trở nên quan trọng hơn khi hàng giả ngày càng gia tăng trong bối cảnh hiện nay. Việc xác lập quyền SHTT đối với Kiểu dáng công nghiệp là không dễ dàng, do đó, trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (“KDCN”), các nhà sản xuất, doanh nghiệp nên tham vấn các chuyên gia SHTT để để nắm bắt và hiểu rõ các quy định của pháp luật về bảo hộ KDCN, bản chất của KDCN cần bảo hộ, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia Hệ thống La Hay về đăng ký KDCN (“Hệ thống La Hay”).
KDCN của sản phẩm làm tăng giá trị cho sản phẩm trong suốt dòng đời của sản phẩm bằng cách đảm bảo sản phẩm đó đáp ứng nhu cầu đa dạng và khắt khe của người tiêu dùng.
KDCN nằm trong ADN của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất. Nhìn chung, các hoạt động thiết kế KDCN cho sản phẩm chủ yếu nhằm góp phần đổi mới sáng tạo, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp và tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm. Công việc thiết kế là việc kết hợp góc nhìn độc đáo với kỹ năng đặc trưng cho tư duy sáng tạo để có thể xây dựng nên những thương hiệu đầy chất sáng tạo – những thương hiệu mang đến sự đồng cảm với người tiêu dùng.
KDCN giúp cải thiện hình thức của sản phẩm – bề ngoài, chức năng của sản phẩm - hiệu quả sử dụng và ý nghĩa của sản phẩm đối với người tiêu dùng; tóm lại, giúp cho sản phẩm và thương hiệu kết nối cảm xúc và gắn kết với người tiêu dùng.
KDCN của sản phẩm là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Về bản chất, thương hiệu gói gọn mối quan hệ cảm xúc và tâm lý mà doanh nghiệp xây dựng, tạo ra cho người tiêu dùng. KDCN của sản phẩm giúp thể hiện mối quan hệ đó và đảm bảo thương hiệu có chủ ý và có ý nghĩa - từ biểu tượng đến kiểu chữ, màu sắc, hình dạng và đặc tính của thương hiệu.
Quyền đối với KDCN mang tính lãnh thổ và chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia cùng thiết lập một hệ thống bảo hộ KDCN. Theo nguyên tắc lãnh thổ, để xác lập quyền đối với KDCN, chủ sở hữu cần nộp đơn đăng ký KDCN riêng biệt tới cơ quan sở hữu công nghiệp của các quốc gia là nơi họ mong muốn KDCN được bảo hộ. Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu có quyền và nghĩa vụ theo đuổi các thủ tục riêng biệt tại các cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia để quản lý quyền đối với KDCN đó (duy trì hiệu lực, cấp li-xăng hoặc chuyển giao quyền). Tuy nhiên, nếu có mối liên hệ với Việt Nam (là công dân, có địa chỉ cư trú, thường trú hoặc có cơ sở công nghiệp hoặc thương mại), thì chủ sở hữu có quyền tận dụng lợi thế đó để sử dụng một giải pháp khác hấp dẫn, ưu việt, thuận tiện và tiết kiệm để xác lập và quản lý quyền đối với KDCN tại nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) bằng cách sử dụng Hệ thống La Hay về đăng ký quốc tế KDCN mà Việt Nam đã gia nhập vào tháng 12/2019.
Hệ thống La Hay được quản lý bởi Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (“WIPO”), một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ. Hệ thống La Hay có thể giúp chủ sở hữu đăng ký bảo hộ KDCN tại 90 nước trên thế giới bằng cách theo đuổi thủ tục nộp đơn KDCN và quản lý KDCN một cách đơn giản và tiết kiệm. Giống như Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực, Trung Quốc hiện cũng đã gia nhập Hệ thống La Hay. Điều này tạo động lực cho doanh nghiệp các nước hoàn thiện kiểu dáng sản phẩm, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư giữa các nước với nhau, và hỗ trợ mỗi quốc gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Thông qua Hệ thống La Hay, chủ sở hữu có thể nộp đơn quốc tế để yêu cầu bảo hộ cho các KDCN tại cơ quan SHTT quốc gia thành viên hoặc tại WIPO, chỉ định tất cả các nước thành viên Liên minh La Hay. Đơn được WIPO thẩm định, đăng ký và công bố. Sau khi các KDCN nộp đơn được WIPO ghi nhận trong đăng bạ quốc tế, đăng ký quốc tế sẽ được thông báo đến từng thành viên Liên minh La Hay được chỉ định. Các quốc gia thành viên đó sẽ phải đưa ra quyết định về việc có chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nộp đơn trong một thời hạn nghiêm ngặt. Nếu một quốc gia thành viên được chỉ định không đưa ra từ chối bảo hộ trong khoảng thời gian quy định (6 tháng hoặc 12 tháng kể từ ngày nhận được thông báo về đăng ký quốc tế), các kiểu dáng trên đăng ký quốc tế được coi là được bảo hộ trong lãnh thổ quốc gia thành viên đó giống như được đăng ký trực tiếp tại cơ quan SHTT quốc gia thành viên này.
Hệ thống bảo hộ quốc tế KDCN La-hay giúp đơn giản hóa quá trình đăng ký bảo hộ KDCN. Những ưu điểm chính của Hệ thống La Hay gồm:
Thủ tục đơn giản, hiệu quả về chi phí: Có thể nộp một đơn quốc tế tại một cơ quan sở hữu trí tuệ nhưng chỉ định đăng ký bảo hộ tại nhiều nước, giảm đáng kể các công việc hành chính liên quan. Như vậy, chủ đơn không cần nộp nhiều đơn riêng biệt tại nhiều nước, chuẩn bị hồ sơ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trả phí bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau, thuê dịch vụ đại diện tại mỗi nước và theo đuổi các thủ tục khác nhau. Điều này giúp chủ đơn tiết kiệm chi phí dịch thuật và nhiều loại chi phí khác.
Dễ dàng quản lý sau khi được bảo hộ: Khi KDCN được bảo hộ theo Hệ thống La Hay, chủ sở hữu chỉ cần theo dõi và quản lý thông qua một hệ thống, một ngày và một thủ tục tại một nơi (WIPO) thay vì nhiều hệ thống, nhiều ngày và nhiều thủ tục khác nhau tại các cơ quan SHTT ở từng quốc gia riêng biệt. Chủ sở hữu cũng có thể yêu cầu ghi nhận sửa đổi đăng ký KDCN (như chuyển giao quyền, thay đổi tên hoặc địa chỉ, giới hạn quyền, từ bỏ quyền) ở một nơi duy nhất (hiệu lực của Đăng bạ quốc tế được duy trì bởi WIPO) với chi phí rất thấp.
Bên cạnh nhãn hiệu, KDCN của sản phẩm ngày càng được chú trọng. Nhà sản xuất ngày càng chú ý đến KDCN trong chiến lược phát triển và tiếp thị sản phẩm. Những sản phẩm có kiểu dáng tinh tế và mang tính thẩm mỹ luôn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng vì KDCN tạo nên sự kết nối về mặt cảm xúc với người tiêu dùng và làm tăng thêm giá trị cho sản phẩm. KDCN giúp mang lại sự khác biệt trên thị trường, xây dựng thương hiệu, thu hút và giữ chân các khách hàng trung thành.
KDCN được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam là công cụ pháp lý quan trọng và không thể thiếu nếu chủ sở hữu mong muốn thực thi quyền một cách hiệu quả để ngăn chặn các bên xâm phạm quyền KDCN và các đối tượng làm hàng giả tại Việt Nam. Ngoài ra, chỉ khi KDCN được bảo hộ, chủ sở hữu mới có quyền thực hiện các hoạt động chuyển giao, cấp li-xăng quyền sử dụng đối với KDCN đó cho bên thứ ba. Việc xác lập quyền hợp pháp đối với KDCN, do vậy, giúp chủ sở hữu được hưởng độc quyền sử dụng, ngăn chặn người khác sử dụng trái phép cũng như là công cụ thương mại hóa thương hiệu thông qua các hoạt động hợp tác, sáp nhập và nhượng quyền thương mại.
Trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ KDCN, các nhà sản xuất, doanh nghiệp nên tham vấn các chuyên gia SHTT để nắm bắt và hiểu rõ các quy định của pháp luật về bảo hộ KDCN và bản chất của KDCN cần bảo hộ. Việc tham vấn nhằm mục đích tối đa hóa phạm vi bảo hộ, đảm bảo không quá chi tiết nhưng cũng không quá chung chung và tuân thủ đúng các quy định pháp luật có liên quan. Khi nộp đơn quốc tế, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đơn sao cho phù hợp với quy định của quốc gia nơi đơn đăng ký KDCN xin đăng ký bảo hộ (ví dụ như, quy định về đường nét, độ sắc nét của KDCN, cách thể hiện ý tưởng thiết kế, số lượng hình vẽ/ảnh chụp, màu sắc KDCN).
Như đã đề cập trên đây, tính mới là một trong những yêu cầu quan trọng mà KDCN cần phải đáp ứng để được bảo hộ. Trước khi nộp đơn đăng ký KDCN, dù dưới hình thức nào, theo đường quốc gia hay hệ thống La Hay, cần đảm bảo rằng KDCN dự định đăng ký chưa được bất kỳ ai tạo ra và công bố. Kiểu dáng không có tính mới sẽ bị từ chối bảo hộ. KDCN được coi là mới nếu KDCN đó khác biệt đáng kể với những KDCN đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký KDCN được hưởng quyền ưu tiên.
Chủ đơn có thể tra cứu các KDCN tại các website dưới đây để xác định KDCN mà mình tạo ra và mong muốn bảo hộ có khác biệt đáng kể (có tính mới) so với các KDCN đã có hay không và từ đó, quyết định xem có nên nộp đơn đăng ký bảo hộ KDCN hay không.
Để có được kết quả tra cứu đáng tin cậy hơn, chủ đơn có thể, trực tiếp hoặc thông qua đại diện sở hữu công nghiệp, yêu cầu cơ quan SHTT liên quan tiến hành việc tra cứu KDCN tại quốc gia dự định nộp đơn đăng ký.
Bảo hộ KDCN dưới dạng quyền tác giả:
Kiểu dáng bao bì sản phẩm có thể được bảo hộ dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam. Vì vậy, nếu không thể đăng ký bảo hộ dưới dạng KDCN cho kiểu dáng bao bì sản phẩm, chủ sở hữu có thể nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng bao bì sản phẩm đó theo pháp luật về quyền tác giả tại Việt Nam.
Bảo hộ KDCN dưới dạng quyền nhãn hiệu:
Nếu KDCN có chức năng như một nhãn hiệu trên thị trường thì KDCN đó có thể được bảo hộ như một nhãn hiệu ba chiều theo quy định của pháp luật Việt Nam về SHTT.
Xem thêm:
• Đăng ký hay là mất, bài học đắt giá từ vụ tranh chấp kiểu dáng công nghiệp điển hình ở Việt Nam
• Bảo hộ dưới dạng quyền kiểu dáng công nghiệp hay quyền tác giả, có thể bạn chưa biết !
• Quyền tác giả - vũ khí công hiệu trong ngăn chặn xâm phạm nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam