• Home
  • /
  • Sáng chế
  • /
  • Sáng chế Trung Quốc ở Campuchia: Nắm rõ thời điểm nộp phí duy trì để không mất quyền sáng chế

Sáng chế Trung Quốc ở Campuchia: Nắm rõ thời điểm nộp phí duy trì để không mất quyền sáng chế

Tải về

Việc công nhận hiệu lực bằng sáng chế (Patent validation), dựa trên nội dung Biên bản ghi nhớ về đăng ký sáng chế được ký kết giữa Cơ quan Sở hữu trí tuệ Nhà nước Trung Quốc (CNIPA) và Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Campuchia (MISTI), là quy trình mà thông qua đó, bằng sáng chế của Trung Quốc, sau khi được cấp, sẽ chính thức được công nhận và có hiệu lực pháp lý ở Campuchia. Việc này giúp chủ sở hữu bằng sáng chế tại Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi bảo hộ của bằng sáng chế tới Campuchia mà không cần thực hiện lại từ đầu quy trình đăng ký sáng chế tại đây.

KENFOX IP & Law Office cung cấp một số lưu ý quan trọng để giúp chủ sở hữu bằng sáng chế tránh những rủi ro pháp lý có thể mất quyền sáng chế do không hiểu rõ về pháp luật sáng chế của Campuchia, đặc biệt là quy định liên quan đến việc nộp phí duy trì hiệu lực sáng chế cho những bằng sáng chế đăng ký bảo hộ theo thủ tục “công nhận” tại Campuchia.

1. Phí duy trì hiệu lực sáng chế: Tại sao các bằng sáng chế chưa được công nhận, nhưng vẫn phải nộp phí duy trì hiệu lực?

Không ít chủ sở hữu bằng sáng chế Trung Quốc thấy bối rối và băn khoăn khi họ cần phải nộp phí duy trì hiệu lực của bằng sáng chế của mình tại Campuchia, dù bằng sáng chế đó chưa được MISTI chính thức công nhận.

Tuy nhiên, việc nộp phí duy trì hiệu lực cho bằng sáng chế đã được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật của Campuchia. Cụ thể, vào ngày 14/11/2023, MISTI đã ban hành Joint Prakas số 837, đặt ra quy định về việc áp dụng mức phạt cho việc nộp muộn phí duy trì hàng năm đối với bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng và kiểu dáng công nghiệp. Theo đó, với mỗi ngày nộp chậm trong khoảng thời gian 06 tháng, sẽ có mức phạt 500 riel. Nếu không nộp phí duy trì trước khi kết thúc thời gian ân hạn, đơn xin công nhận hiệu lực bằng sáng chế sẽ được xem là đã bị rút bỏ và mất hiệu lực. Tuy nhiên, chủ sở hữu của bằng sáng chế vẫn có quyền đề nghị khôi phục đơn của mình vào bất kỳ lúc nào trong kỳ hạn còn lại của bằng sáng chế (tính từ 20 năm kể từ ngày nộp đơn gốc). Phí khôi phục chính thức là 25 USD, cũng như phí trả chậm hàng ngày và số tiền duy trì thông thường sẽ phải trả.

Quy định yêu cầu chủ sở hữu bằng sáng chế phải nộp phí duy trì ngay cả khi bằng sáng chế chưa chính thức được công nhận hiệu lực tại Campuchia (trong trường hợp đơn đề nghị công nhận hiệu lực bằng sáng chế vẫn đang trong quá trình xem xét), được thiết lập dựa trên nhiều cơ sở pháp lý, thủ tục và thực tiễn. Cụ thể:

Góc độ pháp lý: Biên bản ghi nhớ giữa CNIPA và MISTI được thiết lập với mục đích đơn giản hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình công nhận hiệu lực bằng sáng chế của Trung Quốc tại Campuchia. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chủ sở hữu bằng sáng chế được miễn trừ khỏi các yêu cầu pháp lý cụ thể của Campuchia. Khi một đơn yêu cầu công nhận bằng sáng chế nộp tại Campuchia, đơn đó sẽ chịu sự xem xét và phải tuân thủ theo quy định pháp luật của Campuchia, bao gồm cả việc tuân thủ các quy định về việc duy trì hiệu lực bằng sáng chế. Để đảm bảo bằng sáng chế được xử lý một cách công bằng và duy trì tính toàn vẹn của hệ thống sở hữu trí tuệ tại Campuchia, việc tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật là điều cần thiết. Điều này bao gồm việc tuân thủ các thủ tục và nghĩa vụ theo luật định, như việc thanh toán các khoản phí duy trì hiệu lực bằng sáng chế, dù là bằng sáng chế được nộp tại Campuchia hay đang trong quá trình được công nhận.

Duy trì quyền sáng chế: Phí duy trì là phí duy trì cần thiết để bảo đảm bằng sáng chế vẫn giữ nguyên giá trị và hiệu lực. Ngay cả khi bằng sáng chế đang trong quá trình xem xét để công nhận, việc duy trì các quyền liên quan đến của bằng sáng chế vẫn đòi hỏi phải nộp phí này. Điều này bảo đảm rằng, ngay sau khi bằng sáng chế được công nhận chính thức, nó sẽ liên tục được bảo vệ từ thời điểm nộp đơn tại Campuchia, đảm bảo tính pháp lý rõ ràng và bảo vệ không gián đoạn cho chủ sở hữu bằng sáng chế.

Lý do hành chính và thực tế: Việc quy định thanh toán phí duy trì ngay từ ban đầu giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính và ngăn chặn việc nợ đọng phí, điều này có thể gây rắc rối cho quá trình công nhận hiệu lực bằng sáng chế. Hơn nữa, chế định này còn giảm thiểu tình trạng nộp các đơn yêu cầu công nhận hiệu lực cho những bằng sáng chế mà thực sự chủ sở hữu không mấy quan tâm hoặc không có nhu cầu sử dụng, từ đó đơn giản hóa quy trình và tập trung nguồn lực vào những bằng sáng chế mà chủ sở hữu thực sự coi trọng.

2. Thời hạn nộp phí duy trì: Khi nào?

Theo Điều 46 của Luật Sáng chế, Giải pháp hữu ích và Kiểu dáng Công nghiệp của Campuchia “Để duy trì bằng sáng chế hoặc đơn đăng ký sáng chế, một khoản phí hàng năm phải được trả trước cho MISTI mỗi năm, bắt đầu từ một (1) năm sau ngày nộp đơn xin cấp bằng độc quyền sáng chế”. Điều này có nghĩa là, chủ bằng sáng chế phải bắt đầu nộp phí duy trì hiệu lực cho MISTI từ năm thứ hai sau ngày nộp đơn xin công nhận hiệu lực bằng sáng chế. Nhưng phí duy trì sẽ được tính là nộp cho năm thứ mấy, trong thời hạn hiệu lực của sáng chế là 20 năm tính từ ngày nộp đơn? Ví dụ thực tế dưới đây sẽ giúp tính toán thời điểm nộp phí duy trì một cách chính xác.

Ví dụ: Giả sử Đơn đăng ký sáng chế được nộp ở Trung Quốc vào ngày 15/01/2018 và được cấp bằng sáng chế vào ngày 15/11/2022. Sau đó, chủ sở hữu bằng sáng chế của Trung Quốc đã nộp đơn công nhận hiệu lực bằng sáng chế tại MISTI Campuchia vào ngày 10/01/2024.

Tính toán phí duy trì hàng năm:

  • Ngày nộp hồ sơ gốc tại Trung Quốc: 15/01/2018
  • Ngày cấp bằng sáng chế tại Trung Quốc: 15/01/2022
  • Ngày nộp Đơn xin công nhận hiệu lực bằng sáng chế tại Campuchia: 10/01/2024

Thời hạn nộp phí duy trì trong trường hợp nêu trên như thế nào?

Như vậy, có thể thấy:

  • Phí duy trì hiệu lực năm thứ nhất đến hạn vào ngày 15/01/2019 (một năm sau ngày nộp đơn ban đầu), và các khoản phí tiếp theo sẽ đến hạn vào ngày 15 tháng 01 mỗi năm tiếp theo.
  • Tính đến thời điểm nộp đơn xin công nhận hiệu lực bằng sáng chế được nộp tại Campuchia (10/01/2024) đã trôi qua 6 năm kể từ ngày nộp Đơn sáng chế gốc (kể từ ngày 15/01/2018).
  • Theo Điều 46, “Để duy trì bằng sáng chế hoặc đơn xin cấp bằng sáng chế, một khoản phí hàng năm phải được trả trước cho MISTI mỗi năm, bắt đầu từ một (1) năm sau ngày nộp đơn xin cấp bằng sáng chế”. Điều này có nghĩa là chỉ một năm sau ngày nộp đơn xin cấp bằng sáng chế tại Campuchia, chủ sở hữu bằng sáng chế mới cần phải bắt đầu nộp phí duy trì hàng năm. Điều đó có nghĩa là:

               - Chủ sở hữu bằng sáng chế ở Trung Quốc không phải nộp phí duy trì từ ngày 15/01/2018 (ngày nộp đơn gốc tại Trung Quốc) đến ngày 15/01/2024 (thời điểm đơn được nộp tại Campuchia).

               - Chủ sở hữu bằng sáng chế không phải nộp phí duy trì trong thời hạn 01 năm kể từ ngày nộp đơn tại Campuchia (tính từ ngày nộp đơn gốc 15/01/2024 đến ngày 15/01/2025).

               - Chủ sở hữu bằng sáng chế Trung Quốc phải nộp phí duy trì vào năm thứ 8, thời điểm nộp phí duy trì của năm thứ 8, tính từ ngày nộp đơn gốc là từ 15/01/2025-15/01/2026, với thời gian ân hạn là 06 tháng.

Cách xác định thời hạn nộp phí duy trì bao gồm các bước sau:

[1] Xác định ngày nộp đơn gốc: Đây là ngày mà đơn đăng ký bảo hộ sáng chế đã được nộp tại Trung Quốc, và chính ngày này là điểm khởi đầu cho việc tính toán phí duy trì.

[2] Tính phí hàng năm: Phí này được tính mỗi năm, kể từ một năm sau ngày nộp đơn đăng ký bằng sáng chế.

[3] Công nhận hiệu lực tại Campuchia: Việc nộp đơn xin công nhận hiệu lực của bằng sáng chế tại Campuchia không ảnh hưởng đến cách tính phí duy trì ban đầu. Ngày đến hạn nộp phí duy trì vẫn được xác định dựa trên ngày nộp đơn gốc.

[4] Thời gian ân hạn: Có một khoảng thời gian ân hạn sáu tháng cho việc nộp phí hàng năm muộn, kèm theo phí phụ phát sinh theo quy định tại Điều 130 của Luật.

Lời kết

Ngay cả khi chưa được MISTI chính thức công nhận hiệu lực bằng sáng chế, các chủ sở hữu bằng sáng chế của Trung Quốc cũng cần tuân thủ quy định về việc nộp phí duy trì hiệu lực hàng năm theo luật pháp Campuchia. Điều này không chỉ phù hợp với các yêu cầu pháp lý của Campuchia mà còn đảm bảo bằng sáng chế của họ được bảo vệ toàn diện và có giá trị pháp lý sau khi được công nhận. Một trong những yêu cầu quan trọng nhất là sử dụng ngày nộp đơn ban đầu của bằng sáng chế ở Trung Quốc làm cơ sở để tính toán thời điểm nộp phí duy trì cho MISTI đúng hạn.

Hãy liên hệ KENFOX IP & Law Office để được tư vấn về việc công nhận hiệu lực bằng sáng chế tại Campuchia. Đội ngũ của KENFOX, với kinh nghiệm thực tiễn và chuyên môn sâu rộng, am hiểu sâu sắc về pháp luật sở hữu trí tuệ, cam kết cung cấp cho bạn những lời khuyên tận tâm và chính xác nhất, giúp bằng sáng chế của bạn không chỉ vượt qua mọi rào cản pháp lý mà còn được bảo vệ một cách toàn diện tại Campuchia.

By Nguyen Vu QUAN

Partner & IP Attorney